Các rối loạn giấc ngủ thường gặp

3 views

Rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, không chỉ gây trở ngại cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần mà còn ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của người bệnh. Rối loạn giấc ngủ kéo dài dẫn đến mệt mỏi, đau đầu, thiếu tập trung, giảm năng suất làm việc và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như trầm cảm, lo âu, tim mạch, suy giảm trí nhớ, bệnh lý mạch máu não…

Vậy rối loạn giấc ngủ là gì? Các dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp, nguyên nhân, triệu chứng và giải pháp khắc phục như thế nào? Tất cả sẽ được tháo gỡ qua bài chia sẻ dưới đây của các chuyên gia.

Rối loạn giấc ngủ là bệnh gì?

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng rối loạn sức khỏe làm thay đổi giấc ngủ của bạn. Bệnh có 3 hình thức chính là mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức, ngủ. Dưới những áp lực của cuộc sống hiện đại, chứng rối loạn giấc ngủ dần trở thành một căn bệnh phổ biến.

Theo thống kê từ các chuyên gia Nội thần kinh, số lượng người đến thăm khám vì tình trạng mất ngủ đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa (khoảng 25% trong độ tuổi 18-30 tuổi).

Các dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp

Dựa vào nguyên nhân, triệu chứng và khả năng tác động đến tâm lý của người bệnh mà rối loạn giấc ngủ được phân thành nhiều dạng như:

  1. Mất ngủ: Mất ngủ (tiếng Anh là Insomnia) là một rối loạn giấc ngủ thường gặp. Cụ thể, người bệnh thường có giấc ngủ kém về số lượng (thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc) và chất lượng (khó ngủ, tỉnh dậy nhiều lần, giấc ngủ không sâu, có nhiều ác mộng…). Dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng, giảm tập trung, mệt mỏi, đau đầu vào ngày hôm sau và nhiều hệ lụy sức khỏe (suy giảm trí nhớ, bệnh tim mạch, rối loạn tâm sinh lý) …Có 3 dạng mất ngủ thường gặp:
  • Mất ngủ cấp tính (tạm thời):

Là tình trạng mất ngủ xuất hiện trong vài đêm hoặc một vài tuần. Đây là dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất và chiếm khoảng 30-40% dân số.

Có nhiều nguyên nhân làm mắc chứng mất ngủ tạm thời như những biến cố trong cuộc sống như làm ăn thua lỗ, mất người thân, đau buồn chuyện tình cảm; sinh hoạt thiếu điều độ như ngủ trưa nhiều; áp lực lớn từ công việc, cuộc sống, dùng nhiều chất kích thích trước khi ngủ; không gian ngủ không thoải mái; ảnh hưởng từ một số bệnh lý cấp tính đau răng, đau bụng, ho, sốt…

  • Mất ngủ thứ phát do bệnh tâm thần hay thực thể gây ra

Mất ngủ thứ phát do bệnh tâm thần bao gồm tất cả những rối loạn tâm thần có thể dẫn đến mất ngủ, theo thống kê có đến 30 – 60% trường hợp mất ngủ có nguyên nhân từ các rối loạn tâm thần gồm:

– Rối loạn trầm cảm: Mất ngủ vào sáng sớm (thường dậy vào lúc 3 – 4 giờ sáng) và sau đó không ngủ lại được.

– Mất ngủ hoàn toàn do cơn hưng cảm hay trạng thái hoang tưởng, lú lẫn: là rối loạn chu trình thức – ngủ, dẫn đến tình trạng kích động ban đêm và mất ngủ.

– Rối loạn lo âu: Khó đi vào giai đoạn ru giấc ngủ.

– Mất ngủ mãn tính: Là tình trạng kéo dài trên 1 tháng và thường người bệnh chỉ ngủ được 3-4 tiếng/ ngày, có thể mất từ 30 phút đến 1 tiếng mới có thể ngủ được nhưng chất lượng giấc ngủ kém và hay bị tỉnh giấc giữa chừng.

– Mất ngủ thứ phát thực thể: rất nhiều bệnh có thể đưa đến tình trạng mất ngủ như các bệnh lý xương khớp, các bệnh lý tiêu hóa (loét dạ dày, viêm dạ dày, loét dạ dày…), các bệnh đường tiết niệu (viêm tuyến tiền liệt, u tiền liệt tuyến, tiểu rắt, tiểu buốt), các bệnh nội tiết (tiểu đường, cường giáp), các bệnh lý tim mạch và hô hấp (viêm phế quản, hen suyễn), các bệnh lý thần kinh như: tai biến mạch máu não, suy giảm trí sơ, sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson, Alzheimer…

Ngoài ra, mất ngủ thứ phát thực thể cũng có thể do dùng thuốc như Theophylline, Corticoid, thuốc chống trầm cảm tác dụng kích thích, các thuốc ngủ dùng trong thời gian dài và thường xuyên lạm dụng chất kích thích như Cafe, thuốc lá, amphetamine, cocaine…

  • Mất ngủ mãn tính tiên phát

Đây là loại mất ngủ mà phần lớn các trường hợp không tìm được nguyên nhân cụ thể về bệnh tâm thần hay bệnh thực thể nào. Mất ngủ tiên phát được đặc trưng bởi hai dấu hiệu là khó đi vào giấc ngủ và hay thức giấc. Thông thường, người ta phân biệt ra 2 loại sau:

– Mất ngủ vô căn tiến triển từ tuổi ấu thơ: Nguyên nhân có thể từ những sự kiện, cú sốc tâm lý mà tuổi thơ phải chứng kiến và ảnh hưởng đến bây giờ gây ra tình trạng mất ngủ.

– Mất ngủ tâm sinh lý: Trường hợp mất ngủ này được hình thành từ nguyên nhân tâm lý sợ giấc ngủ được lặp đi lặp. Có thể do giấc mơ, ác mộng hoặc ảo giác khiến người bệnh né tránh giấc ngủ.

2. Rối loạn tỉnh táo và ngủ nhiều

Biểu hiện của dạng này gồm ngủ nhiều, buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật trong ngày. Trái ngược với mất ngủ, dạng rối loạn này thường khó nhận biết và không được quan tâm nên gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.

3. Hội chứng ngưng thở trong giấc ngủ

Tình trạng này xảy ra khi người bệnh ngáy lớn lên rồi ngưng thở vài phút trong lúc ngủ và thường lặp lại khoảng 5 lần trong 1 giờ. Ngoài ra, người bệnh còn có các biểu hiện khác như tiểu nhiều trong đêm, gặp ác mộng, đau đầu, ngủ dậy có cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ, mất tập trung… Bệnh thường gặp ở những nam giới trung niên, thừa cân, béo phì…

4. Ngủ nhiều do thiếu ngủ

Trường hợp này liên quan đến những người làm việc quá nhiều, làm việc ban đêm, do chăm sóc người thân bị ốm, người mới sinh con… người bệnh với các biểu hiện như ngủ li bì khó thức dậy, ngủ gập trong ngày, khó tập trung chú ý, người mệt mỏi, cảm giác bồn chồn, dễ cáu gắt…

5. Ngủ nhiều do thuốc

Một số loại thuốc có thể dẫn đến tình trạng ngủ nhiều, ngủ li bì nhưng không đạt được chất lượng giấc ngủ như thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc điều chỉnh khí sắc, thuốc chống động kinh, thuốc kháng dị ứng, thuốc giãn cơ…

6. Chứng ngủ rũ

Tình trạng này khiến người bệnh có cảm giác vô cùng buồn ngủ vào ban ngày, họ sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi và ngủ thiếp đi mà không hay biết cũng không thể cưỡng lại được.

7. Hội chứng tay chân không yên

Còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom – một loại rối loạn chuyển động khi ngủ, hội chứng tay chân không yên gây ra cảm giác khó chịu, buồn chồn và thôi thúc người bệnh phải đứng lên di chuyển, vận động khi đang cố gắng chìm vào giấc ngủ sâu.

Nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn giấc ngủ tùy thuộc vào từng dạng bệnh cụ thể, nhưng nhìn chung rối loạn giấc ngủ xuất phát từ một số nguyên nhân như:

– Stress trong công việc và cuộc sống: lo âu, mệt mỏi, suy nghĩ nhiều về công việc, chuyện tình cảm, gia đình… là nguyên nhân phổ biến nhất. Người trẻ là đối tượng chính dễ gặp phải tình trạng này.

– Sử dụng các chất kích thích (rượu bia, trà, cà phê, ma túy…) trước khi ngủ làm hưng phấn hệ thần kinh trung ương và dẫn đến tình trạng khó ngủ, mất ngủ.

– Môi trường ô nhiễm, ồn ào, không gian ngủ không thoải mái… cũng là một yếu tố thường gặp làm khiến tình trạng rối loạn giấc ngủ ghé thăm thường xuyên.

– Thói quen ngủ thiếu khoa học (lạm dụng thiết bị điện tử, ăn quá no, tập thể dục muộn, tắm đêm…) cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng khó đi vào giấc ngủ.

Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, điều trị tăng huyết áp, corticoid… khi sử dụng lâu ngày cũng có thể là yếu tố dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Các bệnh lý mạn tính như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, tiểu đường, viêm khớp, viêm phế quản, hen suyễn… thường gây những triệu chứng khó chịu, đau đớn dai dẳng vào ban đêm khiến người bệnh rất khó đi vào giấc ngủ, thậm chí mất ngủ.

 

  • Bình luận Facebook
  • Bình luận mặc định

Ý kiến của bạn

Ý kiến của bạn