Tác dụng chữa bệnh của toan táo nhân

43 views

Tên gọi khác: Táo ta.

Bộ phận dùng: Là nhân phơi hay sấy khô của hạt cây táo.

Tên khoa học: Zizyphus jujube Lamk, Họ Táo ta (Rhamnaceae)

  1. Mô tả cây

Cây táo là một cây nhỏ, có gai, cành thõng xuống. Lá hình bầu dục ngắn hoặc hơi thon dài; mặt trên xanh lục và nhẵn, mặt dưới có lông, mép có răng cưa. Có 3 gân dọc theo chiếu lá.

Hoa trắng, mọc thành xim ở kẽ lá, trục chính dài 3,7mm. Quả hạch có vỏ quả ngoài nhẵn, màu vàng xanh, vỏ quả giữa dày, vị ngọt, hạch cứng xù xì. Đập hạch ra sẽ được nhân hạt táo, phơi khô gọi là táo nhân.

  1. Phân bố thu hái và chế biến

Được trồng khắp nơi ở nước ta để lấy quả ăn. Vào tháng 2 -3 hái quả về, bỏ thịt lấy hạch xay ra được nhân, phơi hay sấy khô. Khi dùng để sống hay sao đen. Nếu dùng sống phải dùng liều thấp.

  1. Tác dụng dược lý

Nước sắc hạt táo thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng đường uống hoặc tiêm xoang bụng liều 2,5 g/kg và 5,0 g/kg đều biểu hiện rõ rệt tác dụng an thần gây ngủ, kéo dài thời giấc ngủ do thuốc ngủ barbiturat gây ra.

Năm 1956, Hồ Mộng Gia đã báo cáo ở Đại hội sinh lý học Trung Quốc về tác dụng trấn tĩnh của toan táo nhân. Tác dụng này giống như tác dụng của thuốc ngủ barbiturate.

Bất kể thí nghiệm vào ban ngày hay ban đêm, chuột ở trạng thái bình thường hoặc bị kích thích do dùng cafein, hạt táo cũng thể hiện tác dụng trên. Với các thuốc ngủ barbiturat, hạt táo có tác dụng hiệp đồng. Dùng hạt táo liên tục trong nhiều ngày có hiện tượng quen thuốc, nhưng chỉ ngừng thuốc sau một tuần lễ, hiện tượng quen thuốc biến mất. Ngoài ra theo tài liệu Nhật Bản, dịch chiết cồn, nước và chất dầu béo chiết ra từ hạt táo đều có tác dụng an thần.

  1. Công dụng và liều dùng

Theo quan sát trên lâm sàng vị thuốc có tác dụng trấn tĩnh và gây ngủ rõ rệt (Dược học thông báo, 1953). Người lớn uống 15 – 20 hạt (tương đương với 0,8g – 1,8g) thì có công hiệu.

Theo tài liệu cổ, toan táo nhân có vị ngọt, tính bình, vào 4 kinh tâm, can, đởm và tỳ. Có tác dụng bổ can, đởm, định tâm, an thần. Dùng chữa hư phiền không ngủ được, hồi hộp hay quên, tân dịch ít, miệng khô, người yếu ra nhiều mồ hôi. Những người có thực tà, uất hỏa không dùng được.

  1. Đơn thuốc có toan táo nhân

Chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược:

Toan táo nhân (sao đen) 6g, phục linh 5g, xuyên khung 3g, tri mẫu 4g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.

Trích dẫn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, năm 2003.

  • Bình luận Facebook
  • Bình luận mặc định

Ý kiến của bạn

Ý kiến của bạn